AI QUĂNG RÁC Ở ĐÂY?
- Khiết Như
- 23 thg 1
- 4 phút đọc
Đã cập nhật: 11 thg 2
Một trong những hoạt động ngoài trời mình thích nhất là được chạy xe đạp ở dọc sông Hàn hoặc ở những cung đường mát mẻ, nhiều cây xanh ở công viên vào những buổi chiều lộng gió. Cảm giác được gió mát lùa vào tóc, đôi chân đạp nhịp nhàng trên con đường trải nhựa, mình như tan chảy vào không gian bao la. Mình nhớ có lần đạp xe đến một quán cà phê nhỏ ven sông, ngồi đó nhâm nhi tách cà phê và ngắm nhìn dòng sông trôi thật thư thái. Đạp xe không chỉ là một hoạt động thể thao mà còn là liều thuốc tinh thần giúp mình cân bằng cuộc sống.

Thế nhưng, chuyện đạp xe của mình có vẻ sẽ hoàn hảo hơn nếu như một ngày kia mình không nhìn thấy rác nằm chễm chệ trong giỏ xe của mình. Mình hơi bất ngờ vì mình luôn tin rằng mình sống ở một đất nước văn minh và sạch sẽ. Nhưng ai đó đã xả rác vào giỏ xe của mình. Một hai lần đầu, mình sẽ mang rác về nhà hoặc là chạy xe tới nơi nào đó có thùng rác và bỏ vào. Thế mà, chuyện này cứ lặp đi lặp lại nhiều lần như thế mỗi khi mình chuẩn bị dắt xe ra ngoài. Mình luôn yêu thích vẻ đẹp của thành phố, đặc biệt là những con đường ven sông. Thế nhưng, hình ảnh chiếc giỏ xe đầy rác đã làm lu mờ đi tất cả. Sự tương phản giữa vẻ đẹp của thiên nhiên và hành động thiếu ý thức của con người khiến mình cảm thấy chạnh lòng. Mình tự hỏi, liệu có phải mình đang quá mong đợi vào sự tử tế của mọi người hay không?
Những lần trước, có thể là vỏ kem, vỏ lon nước ngọt nhưng lần này lại khác vì nó là một lon bia. Một lon bia nằm lăn lóc trong giỏ xe. Trong sự thiếu kiềm chế, mình đã chọn một hành động vô cùng... không văn minh là quăng hết đống rác đó xuống đất và đạp xe bỏ đi. Mình tự hỏi, tại sao một hành động đơn giản như vứt rác đúng nơi quy định lại khó đến vậy? Liệu có phải chúng ta đã quá quen với việc xả rác bừa bãi đến mức không còn ý thức được hậu quả của nó đối với môi trường và cộng đồng? Nhưng trong tích tắc, mình chợt nhận ra rằng mình cũng chỉ là một phần của xã hội này. Mỗi người đều có quyền lựa chọn cách sống của mình, nhưng chính mình mới là người chịu trách nhiệm với những hành động của bản thân. Thay vì chỉ trích, mình nên dành sự đồng cảm cho họ. Đôi khi, họ quá bận bịu, quá gấp gáp và xung quanh không có cái thùng rác nào nên đành bỏ vào giỏ xe của mình. Cuối cùng, việc phán xét người khác giống như việc tự giam mình trong một chiếc lồng. Mình đã quay xe lại là lụm hết đống rác đó đem đến thùng rác.
Mình không phải là một người quá tốt hay hoàn hảo, nhưng thông qua đó, mình nhận ra rằng: đôi khi, người khác có suy nghĩ, hành vi như thế nào với mình cũng không quan trọng. Quan trọng là cách mình phản ứng lại với tất cả. Người khác có thể quăng một đống rác vào cuộc đời bạn. Nhưng bạn mới là người quyết định đứng lên dọn dẹp nó hay là mặc kệ nó. Bạn quyết định dọn lại “đống rác” để mình được tự do và thanh thản, hay là đứng đó khó chịu, bực bội và phản ứng tiêu cực. Tất cả đều là do mình hết.

Cuộc sống chẳng khác nào một bức tranh mà chính chúng ta là những họa sĩ. Người khác có thể ném những vệt màu tối vào bức tranh ấy, nhưng chúng ta có quyền lựa chọn màu sắc để tô điểm cho phần còn lại. Cuối cùng, chính chúng ta mới là người quyết định bức tranh của mình sẽ đẹp như thế nào. Những lời nói khó chịu không thể làm tổn thương mình nếu mình không cho phép. Cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều khi mình không còn quá bận tâm đến những điều tiêu cực mà người khác mang lại. Thay vào đó, mình tập trung vào việc thay đổi chính mình, để trở thành một người lạc quan, yêu đời và có chủ quyền với mọi cảm xúc, hành động của mình hơn.
P/S: Mình để vào giỏ xe của mình một cành hoa giả thật đẹp và sau đó thì không có ai bỏ rác vào giỏ xe mình nữa...
Bạn có thể đọc các bài viết khác trên Blog của mình bằng cách bấm vào biểu tượng dưới cuối trang: BÀI VIẾT BLOG. Đồng thời, có thể ghé thăm các cuốn sách mà mình đã xuất bản bằng cách bấm vào biểu tượng SÁCH CỦA MÌNH. Hoặc kết nối với mình nhiều hơn thông qua: FACEBOOK hoặc EMAIL. Và còn có thể để lại Bình luận về bài viết bạn vừa đọc ở phía dưới phần bình luận nha! Trân trọng và Biết ơn!
Commentaires